Hotline mua hàng
Mục lục
Vậy là lại thêm một cái Tết nữa cận kề, và lễ cúng Ông Công Ông Táo ngày 23 tháng Chạp hàng năm lại chuẩn bị được diễn ra.
Những nội dung như cúng vào thời điểm nào là tốt, mâm cỗ cần chuẩn bị những gì, văn khấn như thế nào là chuẩn và phải cần lưu ý những điều gì...đang được khá nhiều người quan tâm lúc này.
Hãy cũng theo chân Nam Thành Phát tìm hiểu cụ thể những điều cần biết về lễ cúng ông công ông táo nhé.
Ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp năm nay nhằm ngày thứ Bảy 14/1/2023 Dương lịch. Theo chuyên gia phong thủy Linh Quang, Cúng ông Công ông Táo là nét văn hóa tâm linh góp phần làm cho con người sống có chuẩn mực hơn, bớt tham sân si hơn và làm việc hành thiện nhiều hơn. Từ đó xây dựng cuộc sống xã hội tốt đẹp và hài hòa cả về tư tưởng lẫn vật chất.
Ông Công ông Táo cưỡi cá chép lên trời
- Tại miền Bắc, người dân thường làm lễ cúng ông công ông Táo từ khá sớm, có thể bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp và muộn nhất là 12:00 trưa ngày 23 tháng Chạp.
- Tại miền Trung, thời gian cúng ông công ông Táo là đêm 22 đến rạng sáng 23 tháng Chạp.
- Tại miền Nam, người dân thường làm lễ vào buổi tối, từ 20:00 - 23:00. Người miền Nam quan niệm rằng vào cuối ngày, sau khi cả gia đình đã dùng xong bữa tối, không còn nấu nướng và dùng đến bếp thì mới được tiễn ông Công ông Táo lên gặp Ngọc Hoàng.
Chuyên gia phong thủy Linh Quang nhận định, ngày ông Công ông Táo năm nay trùng ngày cuối tuần thứ Bảy nên có thể đa số gia đình sẽ chọn cúng đúng ngày. Các gia đình có thể tham khảo những khoảng thời gian sau:
- Ngày 20/12 âm lịch: giờ hoàng đạo thuận tiện để làm là 7:00 - 9:00; 13:00 - 15:00;
- Ngày 21/12 âm lịch: giờ hoàng đạo thuận tiện để làm là 15:00 - 17:00; 17:00 - 19:00;
- Ngày 22/12 âm lịch: giờ hoàng đạo thuận tiện để làm là 9:00 - 11:00; 15:00 - 17:00;
- Ngày 23/12 âm lịch: giờ hoàng đạo thuận tiện để làm là 7:00 - 9:00; 9:00 - 11:00; 13:00 - 15:00.
Mâm cơm cúng ông Công ông Táo nên chuẩn bị những gì
- Tại miền Bắc: Mâm cỗ cúng ngày lễ ông Công ông Táo có đủ các món ăn truyền thống như xôi, gà, giò, chả, nem,... Đặc biệt, trong mâm cỗ cúng ở nhiều địa phương khu vực miền Bắc sẽ có thêm xôi chè. Ngoài ra, món cá chép (sống hoặc rán) là món ăn không thể thiếu, vì đây được coi là phương tiện đi lại đưa ông Táo về trời.
- Tại miền Trung: một số vùng như Huế và Hội An có tục cúng tượng đất táo quân và dựng trên cây nêu sau ngày 23 tháng Chạp. Bộ tượng đất có đầy đủ đồ cúng, hoa quả, đặt tượng mới và cu cạnh nhau. Mâm cơm phải có cá thu hoặc cá ngừ.
- Tại miền Nam: mâm cơm người miền Nam tưng đồng với mâm cơm người miền Bắc. Ngoài ra, mâm cơm người miền Nam còn có thêm đĩa đậu phộng, kẹo vừng đen.
Vậy văn khấn ông Công ông Táo thế nào cho đúng, mời các bạn tham khảo bài văn khấn mà chúng tôi sưu tầm dưới đây.
Bài thứ nhất: Theo văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin
Nam mô a di đà phật!
Nam mô a di đà phật!
Nam mô a di đà phật!
Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: .................
Ngụ tại:.................
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắm sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.
Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Bài thứ hai: Theo văn khấn được lưu truyền dân gian
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ con là: ...............
Ngụ tại: ...................
Nhằm ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén Tam Hương dốc lòng bái thỉnh
Chúng con kính mời:
Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ, Ngài là vị chủ, Ngũ Tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo Quân chứng giám.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn Thần, gia ân châm chước. Ban lộc, ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khanh khái.
Dãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Lưu ý gì khi cúng ông Công ông Táo
- Khi cúng, gia chủ cần ăn mặc lịch sự. Trang phục nam nữ là quần dài, áo đẹp sáng màu, không hở và thành tâm lễ bái khấn nguyện với ngôn từ chuẩn mực;
- Không đặt mâm cúng dưới bếp;
- Gia chủ có thể khấn nôm theo tâm niệm mong cầu cá nhân nhưng không được khấn xin tài lộc, sung túc;
- Nên cúng lễ trước trưa ngày 23 tháng Chạp;
- Không được thả cá chép từ trên cao hoặc để nguyên cả túi nilong;
- Sau lễ cúng tiễn ông công ông Táo lên trời thì phải có lễ cúng rước ông về. Theo phong tục dân gian, thường vào ngày 30 tháng Chạp sẽ cúng rước ông Táo về nhà, những năm không có ngày 30 thì sẽ cúng vào ngày 29 tháng Chạp.
Những thông tin mà chúng tôi chia sẻ ở trên, hi vọng sẽ giúp cho quý vị có những chuẩn bị tốt hơn cho ngày lễ ông Công ông Táo năm 2023.